Khi cố gắng ngăn chặn một số rủi ro trong cuộc sống của các con – không chỉ những tổn thương hay nguy hiểm tính mạng, mà còn việc trẻ không thể tối đa hóa tiềm năng và tài năng của mình – thì ta lại đặt trẻ vào một rủi ro khác.
Nhiều bậc phụ huynh luôn cảm thấy cần phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để giảm nhẹ rủi ro – miễn là nó có tồn tại – với hy vọng rằng những nỗ lựa của họ có thể phát huy tác dụng theo cách nào đó. Hoặc thực tế hơn là, họ làm vậy đơn giản chỉ để cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi biết mình đã cố gắng hết sức để bảo vệ các con.
Đây có thể là một phương pháp nuôi dạy con hợp lý, nếu sự cảnh giác cao độ đó không gây ra bất kỳ rủi ro nào.
Nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Có một điều mà ta hay bỏ qua khi nói đến quản lý rủi ro, đó là trong lúc ta kiểm soát hiểm nguy này thì đôi lúc hiểm nguy khác lại xuất hiện.
Khi cố gắng ngăn chặn một số rủi ro trong cuộc sống của các con – không chỉ những tổn thương hay nguy hiểm tính mạng, mà còn việc trẻ không thể tối đa hóa tiềm năng và tài năng của mình – thì ta lại đặt trẻ vào một rủi ro khác.
Những rủi ro này kích hoạt phản ứng ít cảm tính hơn, vì sự nguy hiểm của các rủi ro này diễn ra từ từ, trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó đến thể chất, tinh thần và cảm xúc là hoàn toàn có thật và vô cùng tai hại.
Sau đây là những rủi ro khi cha mẹ quá bảo bọc con cái:
1. Nguy cơ trẻ không phát triển khả năng chủ động hoặc tự lực
Thời gian rảnh trong một tuần của trẻ em ngày nay ít hơn 9 tiếng đồng hồ so với trẻ em cách đây 30 năm. Các hoạt động ngoại khóa – chơi thể thao, học nhạc, học thêm… – đã chiếm hết thời gian tự do của trẻ. Và khi không tham gia các hoạt động có tổ chức thì trẻ thường sẽ đi chơi cùng cha mẹ, những người không muốn để trẻ tự chơi một mình. Vì thế, phần lớn thời gian trong ngày, trẻ chịu sự giám sát của người lớn – cha mẹ, thầy cô, huấn luyện viên – những người luôn bảo trẻ phải làm gì, vào lúc nào và như thế nào.
Thiếu trải nghiệm hoạt động tự do khi không chịu sự trông chừng sát sao của người lớn, trẻ không học được cách tự vui chơi, tự định hướng và sử dụng thời gian của mình. Bạn có nhớ ngày xưa khi bạn có một buổi chiều rảnh rỗi và quyết định đạp xe đến một ngôi trường gần nhà, khám phá một địa điểm xây dựng nào đó, hoặc tập xiếc ở sân sau không? Ngày nay, bao nhiêu trẻ em có được trải nghiệm như thế, trải nghiệm mà trong đó trẻ là người khởi xướng và thực hiện các hoạt động của mình?
Chẳng có gì ngạc nhiên khi một trong những vấn đề lớn nhất của giới trẻ ngày nay là tự lực. Một khi rời khỏi ghế nhà trường, tất cả các kế hoạch của tuổi thơ và thời niên thiếu đều sụp đổ, họ cảm thấy mông lung, vô vọng đợi chờ ai đó chỉ cho mình hướng đi và bước đi tiếp theo.
Nếu không được phép làm chủ thời gian vui chơi của mình, thì làm sao trẻ có thể làm chủ các mối quan hệ, sở thích và nghề nghiệp của mình khi trưởng thành?
2. Nguy cơ về một trí tưởng tượng nghèo nàn
Các con của tôi rất ngoan. Bọn trẻ lanh lợi, vui vẻ và cư xử đúng mực. Tuy vậy, tôi không nghĩ con mình giỏi tưởng tượng. Dường bọn trẻ chẳng mấy thích thú với trò đóng vai mà ngày xưa tôi rất mê. Thật ra, trí tưởng tượng của bọn trẻ nhà tôi có vẻ kém phong phú so với lứa tuổi lên 3 và lên 6.
Có thể đó là hậu quả của những lúc tôi để con dùng thiết bị điện tử (tôi cảm thấy thật có lỗi), và thực tế mà tôi đã đề cập trong phần trước, chúng ta can thiệp quá nhiều và luôn hiện diện trong cuộc sống của con cái; trẻ không có lấy một cơ hội để thoát khỏi thế giới người lớn và bước vào thế giới thần tiên của trẻ. Có thể đó là hậu quả không mong muốn khác của việc thiếu thời gian rảnh rỗi – các hoạt động có tổ chức luôn gồm những phần, hướng dẫn và kết thúc đã được thiết lập trước; các hoạt động này đòi hỏi rất ít khả năng sáng tạo vốn là kỹ năng cần có của những trò chơi có kết thúc mở hơn.
Không những các hoạt động của trẻ em ngày nay có cấu trúc chặt chẽ hơn, cả các món đồ chơi cũng vậy. Được chơi theo ý mình, trẻ phải tận dụng các “công cụ” từ môi trường xung quanh, nhìn thấy trong đó nhiều khả năng và tự mình đặt ra nguyên tắc riêng về cách thế giới vận hành – chiếc gậy là thanh kiếm; đất nhão là lựu đạn; lối đi là dung nham.
Trái lại, đồ chơi trẻ em ngày nay đã được lắp đặt trước và có chức năng rất rõ ràng. Dường như đối với các nhà sản xuất đồ chơi (và các bậc phụ huynh trong vai trò khách hàng), “vui” không phải là mục đích chính đáng của một món đồ chơi; thay vào đó họ luôn quảng cáo chất lượng giáo dục của đồ chơi. Tuy nhiên, bằng cách thiết kế đồ chơi sao cho nó trở thành “công cụ luyện não,” cách sử dụng của nó lại trở nên cố định – có vô số cách để chơi với một chiếc xe đẩy; nhưng một thiết bị học số bằng cách nhấn nút thì chỉ có một chức năng đó mà thôi. Những món đồ chơi như thế có thể củng cố một khía cạnh trong khả năng nhận thức của trẻ, nhưng nó lại không giúp trẻ rèn luyện óc tưởng tượng.
Việc tập trung vào các trò chơi có tổ chức và giáo dục tạo nên một thế hệ thanh niên như các con tôi: có khả năng tư duy nhanh nhưng hạn hẹp. Trong nghiên cứu mang tên “Khủng Hoảng Sáng Tạo”, Kyung Hee Kim nhận thấy rằng mặc dù trí thông minh và điểm thi SAT tăng lên trong vài chục năm qua, điểm số trong các bài kiểm tra năng lực sáng tạo lại sụt giảm, vì thế:
“Trong 20 năm qua, trẻ em trở nên ít bộc lộ cảm xúc, kém năng động, ít nói, ít hài hước, ít tưởng tượng, ít phá cách, ít sôi nổi hoạt bát, ít nhạy cảm, ít có xu hướng kết nối những thứ có vẻ không liên quan, ít có khả năng tổng hợp, và ít nhìn nhận thông tin từ một góc độ khác hơn.”
Sự suy giảm đáng kể nhất được nhìn thấy trong điểm số “Elaboration”. Đây là bài kiểm tra khả năng hiểu và suy ngẫm các ý tưởng hiện có, rồi tiếp tục phát triển ý tưởng đó theo những cách mới mẻ.
Khả năng này không được phát triển từ việc nhìn vào một màn hình nơi X=X, mà từ việc định hướng trong một môi trường nơi X có thể bằng Y, bằng Z, hoặc bằng D. Đó là môi trường mà quả thông có thể trở thành chiếc điện thoại, hòn đá, vật hóa thạch, cái cây rỗng ruột hoặc nơi trú ẩn.
3. Nguy cơ béo phì khi còn nhỏ (và khi trưởng thành)
Jane Clark, giáo sư vận động học, gọi thế hệ trẻ em ngày nay là “những đứa trẻ đóng thùng.”
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bắt đầu cuộc sống bằng việc bị đặt yên vị vào ghế ngồi trên xe hơi, ghế tập ăn, ghế xem ti-vi và những chiếc xe đẩy.
Một số “hình thức đóng thùng” này là cần thiết cho sự an toàn của trẻ, nhưng nó cũng làm trẻ ù lì hơn rất nhiều. Theo một nghiên cứu theo dõi sự vận động của trẻ tập đi, một đứa trẻ 3 tuổi bình thường chỉ vận động 20 phút một ngày!
Khi trẻ lớn hơn, “những chiếc thùng” này cũng sẽ lớn theo, nhưng không đáng kể. Thật ra, các bậc cha mẹ – những người thích sự an toàn trong nhà hơn rủi ro bên ngoài – lại đang “giam con”. Một số nghiên cứu cho thấy chưa đến 1/3 trẻ em Mỹ được thường xuyên chơi đùa bên ngoài nhà. Một khảo sát khác phát hiện ra rằng 50% trẻ em trên thế giới chỉ có chưa đầy một tiếng đồng hồ mỗi ngày để vui chơi ở bên ngoài – tức là thời gian trẻ em được ở bên ngoài nhà còn ít hơn của các tù nhân tại những nhà tù an ninh vô cùng chặt chẽ.
Mặc dù cả những đứa trẻ này và người giám sát các em đều cảm thấy vui – trẻ con thích nằm chơi thiết bị điện tử, và cha mẹ luôn biết chính xác vị trí của con mình – nhưng càng giam mình trong bốn bức tường, trẻ càng ít có thời gian vận động.
Theo những gì quan sát được, tôi có thể nói rằng khi mấy đứa con tôi ở nhà, bọn trẻ ù lì hẳn đi, lúc nào cũng nằm ườn ra và luôn miệng than chán. Thế nhưng khi được đưa ra bên ngoài thì tụi nhỏ hăm hở tham gia các hoạt động như thể đang được mặt trời sạc pin cho vậy.
Không có gì ngạc nhiên khi sự gia tăng của số lượng “trẻ đóng thùng”, dù là trên những chiếc ghế có thắt dây an toàn hay trong những ngôi nhà rộng rãi, lại tương đương với sự gia tăng chứng béo phì ở trẻ. Tình trạng béo phì ở trẻ em đã tăng hơn gấp ba lần kể từ những năm 1970.
Các bậc phụ huynh thường nghĩ mình có thể chống lại xu hướng này, và có thể vừa kiểm soát hoạt động của con vừa giám sát con chặt chẽ bằng cách cho trẻ chơi các môn thể thao có tổ chức. Nhưng trớ trêu thay, mức độ phổ biến của các môn thể thao này cũng tăng theo số đo vòng eo của trẻ em. Việc tham gia đội bóng đá nhí dường như không phải là giải pháp tối ưu giúp ngăn chặn tình trạng béo phì ở trẻ.
Điều này có thể do các môn thể thao có tổ chức, ít ra là dành cho trẻ nhỏ, thường là những hoạt động ì ạch đến bất ngờ. Trong những môn này, trẻ toàn đứng bối rối không biết làm gì, đôi lúc tham gia một hoạt động nhỏ, rồi tiếp theo là ăn thức ăn nhanh và uống nước giải khát. Ngược lại, khi trẻ được tự do chơi những trò chơi do mình thiết kế, dường như trẻ vận động nhiều hơn. Tôi thấy con trai mình, Gus, hoạt động nhiều hơn hẳn khi thằng bé tự chơi ném bóng vào rổ so với những buổi tập đánh bóng chày.
Dù cha mẹ thường nghĩ con cái luôn tràn đầy năng lượng và mức độ hoạt động của trẻ sẽ tiêu hao năng lượng đó, điều này chỉ đúng khi các rào cản nhân tạo và dư thừa được tháo gỡ, và trẻ được phép tự quyết định và tự do rong chơi theo ý mình. Nhưng khi trẻ được đặt vào một nơi an toàn, mọi năng lượng vơi dần.
Trong nỗ lực bảo vệ con cái khỏi những “ông kẹ” tưởng tượng ngoài kia, cha mẹ không nhìn thấy “kẻ giết người” thầm lặng bên trong vốn có thể theo trẻ đến tuổi trưởng thành, và thậm chí có thể làm hại đến đứa con mà cha mẹ đã dày công bảo vệ.
4. Nguy cơ trẻ không đạt được năng lực thể chất toàn diện
Mức độ vận động và hoạt động thấp hơn không những khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh béo phì, mà còn cản trở sự phát triển năng lực thể chất của trẻ.
Mặc dù ta hiếm khi nghĩ về vấn đề này như thế, nhưng mọi sự vận động – dù là chạy, nhảy, bò, ném, giữ thăng bằng, v.v – đều là kỹ năng. Và đã là kỹ năng thì ta phải rèn luyện thì mới có thể thành thạo.
Nghiên cứu cho thấy trẻ càng năng động, kỹ năng vận động của trẻ càng được cải thiện, và môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình này. Lấy ví dụ, các nghiên cứu được tiến hành tại Na Uy và Thụy Điển cho thấy những trẻ hàng ngày chơi đùa ở những nơi gần gũi với thiên nhiên hơn – khu đất gồ ghề, có đá sỏi và cây xanh – phát triển khả năng cân bằng tốt hơn, nhanh nhẹn hơn, và vận động nhiều hơn những trẻ chơi đùa trên sân chơi an toàn, bằng phẳng và có tổ chức. Môi trường vui chơi của trẻ càng thử thách và khó đoán, thì năng lực thể chất của trẻ càng được củng cố; rủi ro càng nhiều thì phần thưởng càng lớn.
Đáng tiếc thay, các khu vui chơi và những bài tập rèn luyện thân thể dành cho trẻ (nếu có) đều bị san bằng, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có đến 40% trường học đã loại bỏ một hoặc tất cả các giờ giải lao của trẻ, không chỉ để có thêm thời gian học tập và thi cử, mà còn vì nỗi lo trách nhiệm. Cũng vì lý do đó, các trò chơi leo dây và bóng né đã bị loại bỏ khỏi lớp thể dục. Nguy cơ chấn thương quá cao; nhưng nguy cơ thể lực yếu kém lại không được đánh giá, mặc dù nó tương quan với nguy cơ mắc bệnh béo phì.
Các nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa sự phát triển kỹ năng vận động và chứng béo phì có thể hình thành một vòng lặp phản hồi tích cực hoặc tiêu cực. Những trẻ có kỹ năng vận động tốt thường năng động hơn, và càng năng động, kỹ năng vận động của trẻ càng được cải thiện, từ đó khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn nữa. Mặt khác, trẻ có kỹ năng vận động kém thì ít năng động hơn, điều này làm thui chột các kỹ năng vận động của trẻ, thậm chí khiến trẻ ít hướng đến các hoạt động thể chất và tăng khả năng mắc bệnh béo phì.
5. Nguy cơ trẻ không sử dụng thành thạo đôi tay
Đây chỉ là phần mở rộng của nguy cơ phía trên, nhưng tôi nhận thấy nó đủ quan trọng để viết thành một mục riêng.
Bên cạnh các kỹ năng vận động toàn cơ thể, trẻ cũng cần học cách sử dụng thành thạo đôi tay của mình. Cũng như năng lực thể chất, trẻ có được khả năng sử dụng đôi tay qua kinh nghiệm trực tiếp – bằng cách thật sự điều khiển các công cụ và vật dụng.
Ngày nay, chỉ cần lướt ngón tay là ta có thể làm được nhiều việc, nhưng trẻ vẫn nên học các kỹ năng thực hành – kể cả những kỹ năng “nguy hiểm” – vốn cần sử dụng bàn tay và cổ tay. Mỗi đứa trẻ khi đến tuổi trưởng thành nên biết cách sử dụng nhà bếp và dao bỏ túi, cách quẹt diêm, đóng đinh, nhóm lửa, v.v.. một cách an toàn.
Trong quá trình học những điều trên, chắc chắn có nguy cơ trẻ sẽ bị bỏng hoặc đóng đinh trúng ngón tay. Nhưng nếu không rèn luyện những kỹ năng này, có thể là khi lớn lên, trẻ sẽ không tin rằng mình có thể định hình thế giới, sử dụng nguyên liệu thô, sửa chữa những thứ hư hỏng, thành thạo những thứ căn bản và sống có ích.
6. Nguy cơ trẻ không phát triển sự tự tin và các kỹ năng giải quyết vấn đề
Vì trẻ em thời nay gần như luôn chịu sự giám sát của người lớn, nên mỗi khi gặp vấn đề, trẻ luôn có người lớn ở bên để hỏi xin lời khuyên. Ngay cả trong những lúc hiếm hoi khi con cái không ở cùng cha mẹ, cả hai vẫn có thể kết nối qua điện thoại. Như Lenore Skenazy viết trong quyển Free-Range Kids, sự giám sát này cứ thế tiếp tục ngay cả khi con đã lớn, khiến cho “mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở lại thời mà con còn rất nhỏ và cần được giám sát liên tục”:
“Tôi vẫn nhớ một chuyện hồi đứa con trai lớn Morry của mình được 10 tuổi. Morry gọi cho tôi ngay khi tôi vừa đi làm để hỏi con có thể dùng món bánh mì chuối cho bữa sáng được không. Tôi trả lời ‘Được chứ con!’ Nhưng lẽ ra tôi nên nói, ‘Được chứ! Con muốn ăn món gì cũng được! Cha không có ở đó. Nếu cha về nhà và thấy cặn rượu vodka trong máy xay sinh tố, thì cha sẽ phải quản con chặt hơn. Còn không thì con đã biết cách làm bữa sáng và đủ lớn để quyết định mình nên ăn gì.’”
Trẻ em thời nay giống như đang chơi trò Ai là triệu phú? với quyền trợ giúp vô hạn. Đây sẽ là một đặc ân nếu ta đang kiếm tiền trong trò chơi truyền hình, nhưng là một thất bại trong việc nuôi dưỡng sự tự tin ở trẻ.
Nếu nhờ cha mẹ và người lớn quyết định mọi việc thay cho mình, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tự suy nghĩ. Khi phải tự đưa ra lựa chọn, trẻ sẽ dễ chỉ trích và nghi ngờ bản thân – thậm chí có “tâm lý bất lực do huấn luyện” khi cảm thấy không còn làm chủ được đời mình.
Dĩ nhiên, trẻ em cần những giới hạn và sự hướng dẫn, nhưng trẻ cũng cần tự đặt ra giả thuyết, thử nghiệm quyết định này hoặc quyết định khác, và đánh giá các hệ quả của hành vi của mình. Sau đó, trẻ sẽ điều chỉnh các giả thuyết ban đầu, có thể sẽ lại thất bại, và hình thành một giả thuyết khác. Một số bài học có thể và nên được học qua lời khuyên và ví dụ, nhưng có những bài học phải được rút ra từ quá trình thử – sai. Như James Russell Lowell đã nói, “Một chiếc gai của trải nghiệm đáng giá bằng vô số lời răn dạy.”
Đôi khi, cảm giác đau nhói khi bị gai đâm lại là điều tốt; vết máu nhỏ do gai đâm có thể tạo ra cảm giác tự tin lâu dài.
7. Nguy cơ trẻ không bao giờ cảm thấy thoải mái với rủi ro (và do đó không thể nuôi dưỡng tính kiên cường)
Cha mẹ luôn ở bên con cái và sẵn sàng cho con lời khuyên vì họ muốn bảo vệ con mình khỏi nỗi đau thất bại. Có thể họ lo rằng một trải nghiệm đáng sợ hoặc đau khổ sẽ làm con cái e sợ các rủi ro trong tương lai hơn. Chắc chắn một chấn thương nặng sẽ để lại vết sẹo trong suốt cuộc đời trẻ, nhưng những thất bại mà không để lại vết sẹo như vậy – phần lớn các thất bại đều thế – thật sự có tác dụng ngược lại.
Nghiên cứu do Ellen Sandseter tiến hành cho thấy “những cú ngã trong độ tuổi từ 5 đến 9 có liên quan đến việc trẻ không sợ độ cao ở tuổi 18” và “số lượng trải nghiệm bị chia cách trước tuổi lên 9 tỷ lệ nghịch với các nỗi sợ bị chia cách ở tuổi 18.” Từ dữ liệu này và các dữ liệu tương tự, Sandseter kết luận rằng thay vì làm trẻ lo lắng hơn, các trải nghiệm “đáng sợ” thật sự tập cho trẻ làm quen và “gây tê” cho trẻ trước những rủi ro và thất bại, mang đến cái mà bà gọi là hiệu ứng “kháng nỗi sợ” hoặc “tiêm chủng”.
Ngay cả khi rủi ro của trẻ để lại hậu quả tiêu cực, họ nhận thấy hậu quả đó thật ra không quá tai hại. Khi bị té xe đạp và trầy đầu gối, đứa bé biết rằng mình sẽ bị đau, nhưng không đau lâu. Thời gian chữa lành mọi vết thương và một số vết thương không cần nhiều thời gian để chữa lành. Do đó, trẻ vẫn tiếp tục đạp xe và hiểu rằng trầy đầu gối cũng chẳng phải chuyện lớn và không phải là một điều gì đó quá đáng sợ. Trẻ không sợ bị trầy đầu gối nữa và trở nên kiên cường hơn.
Nếu không có những trải nghiệm rủi ro trực tiếp thế này – không chỉ là rủi ro về mặt thể chất, mà còn về mặt tài chính, học tập, cảm xúc và xã hội – nỗi sợ có thể bắt đầu xâm chiếm tâm trí, cho đến khi nó trở thành nhưng nỗi ám ảnh làm ta tê liệt. Nếu như tránh né những cái u, vết trầy, và thất bại nho nhỏ đi cùng với việc mạo hiểm, trẻ không thể quen với rủi ro và không học được cơ chế đối phó cần thiết để đánh giá và quản lý rủi ro một cách tự tin và sáng suốt. Trẻ mất khả năng phân biệt giữa mối nguy hiểm và điều không quen thuộc. Trẻ không biết được mình thật sự kiên cường đến mức nào.
Điều này tạo nên một thế hệ người trưởng thành quá lo sợ rủi ro và nhạy cảm thái quá, những người lưỡng lự không dám đảm nhận bất kỳ công việc nào mà họ không chắc là mình sẽ thành công và suy sụp khi gặp thất bại. Như Sandseter thừa nhận, “nỗi sợ rằng con cái sẽ bị tổn hại bởi những vết thương gần như vô hại có thể tạo ra những đứa trẻ sợ hãi hơn và tăng mức độ rối loạn tâm thần.” Thật ra, những rối loạn tâm thần, từ trầm cảm đến lo âu, đã tăng lên ở giới trẻ – có lẽ vì chính lý do này.
8. Nguy cơ cha mẹ không tận hưởng được việc nuôi dạy con cái.
Những rủi ro từ việc cha mẹ lo sợ rủi ro không chỉ gây hại cho trẻ, mà còn cho chính cha mẹ (trong phần tiếp theo, ta sẽ thấy nó thậm chí còn có hại cho cả cộng đồng).
Nhiều nghiên cứu về các cặp song sinh chứng minh rằng hóa ra trẻ em liên quan nhiều đến gien hơn môi trường; “tự nhiên” lấn át “nuôi dưỡng”. Một cặp song sinh lớn lên trong hai gia đình rất khác nhau thường rất giống nhau, trong khi hai anh/chị em lớn lên dưới cùng một mái nhà lại thường khá khác nhau. Cha mẹ không nhào nặn con cái như nặn đất sét, thay vào đó, tính cách và tài năng của trẻ phần lớn là bẩm sinh, và cha mẹ chỉ là người mang đến một môi trường an toàn và đầy tình thương cho những hạt giống này phát triển – nhổ bỏ cỏ dại và thêm chút phân bón. Dĩ nhiên cha mẹ có thể giúp mài giũa những phần chưa tốt nơi con trẻ, nhưng trẻ sẽ trở thành người mà trẻ sẽ trở thành.
Dù cha mẹ chỉ có thể chịu trách nhiệm một phần cho tính cách của trẻ, họ lại nuôi dạy con cái như thể họ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Cha mẹ dành thời gian bên con nhiều hơn cả cha và mẹ dành cho con cái cách đây 50 năm. Họ cho rằng nếu họ không thường xuyên ở cạnh con, con sẽ kém thông minh và thích nghi không tốt, hoặc điều gì đó khủng khiếp sẽ xảy ra với con.
Việc duy trì trạng thái liên tục cảnh giác này, sống với mức độ lo lắng mỗi ngày, từ bỏ bạn bè và sở thích cá nhân để đầu tư thời gian rảnh vào việc nuôi dạy con cái, đã biến nuôi con trở thành một công việc nặng nhọc và hút cạn năng lượng của cha mẹ. Thảo nào hầu hết phụ huynh cảm thấy họ chỉ đủ sức nuôi một hoặc hai con, hoặc quyết định không sinh con. Cuộc sống gia đình không còn hấp dẫn nữa, vì dường như lúc nào bạn cũng ràng buộc mình vào con cái.
Tuy nhiên, chuyện không phải lúc nào cũng như vậy. 50 năm trước, người ta sinh nhiều con hơn, nhưng họ lại có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn; người lớn làm việc của người lớn, và trẻ em làm việc của trẻ em.
Cả hai đều hạnh phúc hơn vì điều đó.
9. Nguy cơ các mối quan hệ và sự tin tưởng trong cộng đồng bị xói mòn
Hồi bé, tôi chơi chung với một đám con trai cùng xóm. Mặc dù cha mẹ họ có cùng cách quản con nới lỏng như cha mẹ tôi (chúng tôi rong chơi cho đến khi phố lên đèn), họ cũng cùng nhau trông chừng chúng tôi. Và họ không ngại kỷ luật tập thể cả bọn! Nếu một đứa làm sai, cha mẹ tôi mong các phụ huynh khác cũng phạt tôi vì điều đó.
Ngày nay, các phụ huynh gần như chẳng quen biết hàng xóm (để hàng xóm kỷ luật con mình lại càng không), và luôn đề cao cảnh giác với những người khác trong cộng đồng.
Thái độ mà mọi người lạ, thậm chí ông lão Withers tử tế gần nhà, có thể là kẻ quấy rối hoặc giết người hàng loạt đã được ta tiêm nhiễm vào trẻ để trẻ “không bao giờ nói chuyện với người lạ.” Như Skenazy quan sát, bài học của triết lý này là “Trong mọi hoàn cảnh, không bao giờ được tin người khác!”
Mặc dù việc khắc sâu vào tâm trí trẻ ý nghĩ rằng mọi người lớn mà không được cha mẹ kiểm tra đều là mối nguy hiểm tiềm tàng có thể giúp trẻ tránh xa kẻ xấu, điều đó cũng có thể ngăn trẻ tiếp xúc với những người có khả năng cứu trẻ thoát khỏi kẻ xấu.
Giả sử, nếu trẻ bị một người quen quấy rối (khả năng điều này xảy ra cao gấp 90 lần việc bị người lạ quấy nhiễu), người hàng xóm nhận thấy điều không ổn đang diễn ra và hỏi đứa trẻ này có cần giúp đỡ không, trẻ có thể từ chối nói chuyện với họ vì đã được dạy rằng một người xấu nhưng quen thuộc thì an toàn hơn một người tốt nhưng xa lạ.
Mặt khác, khi ta nhìn nhau với vẻ ngờ vực, hàng xóm có thể ít sẵn lòng giúp đỡ, vì họ sợ rằng việc tương tác với một đứa trẻ có thể khiến họ trông giống kẻ xấu xa. Trong nghiên cứu về nỗi sợ xã hội của mình, Tim Gill đưa ra một ví dụ thực tế về bi kịch bắt nguồn từ sự cảnh giác này:
“Bé gái 2 tuổi tên Abigail Rae đã trốn khỏi nhà trẻ mà không ai biết. Không lâu sau, người ta phát hiện bé bị ngã vào một hồ nước gần đó và chết đuối. Trong cuộc điều tra, người ta mới biết rằng một người đàn ông đi ngang qua đã nhìn thấy bé lang thang một mình, nhưng ông không làm gì cả. Ông trả lời các nhân viên điều tra: ‘Một trong những lý do tôi không quay lại là vì tôi nghĩ ai đó sẽ nhìn thấy tôi và nghĩ rằng tôi đang cố bắt cóc đứa bé.’”
Trẻ con sợ người lớn trong xóm. Người lớn sợ mình trông giống tội phạm bắt cóc trẻ em. Kết cục là cộng đồng đầy rẫy sự ngờ vực, và các mối quan hệ giữa người với người rạn nứt do nghi ngờ.
Kết luận
Những rủi ro nói trên cho thấy trong nỗ lực loại bỏ một số rủi ro ở trẻ, rủi ro khác lại xuất hiện: rủi ro cản trở sự phát triển khả năng chủ động, nỗ lực, và tự lực của trẻ; nguy cơ làm thui chột khả năng rèn luyện năng lực, óc sáng tạo, và kỹ năng tư duy phản biện; thậm chí rủi ro không tôi rèn được đức tính tốt. Suy cho cùng, việc tạo ra một chiếc la bàn đạo đức mạnh mẽ phụ thuộc vào khả năng tư duy độc lập, đối mặt với nỗi sợ và can đảm hành động.
Thật đáng tiếc, khi ta đối xử với trẻ như thể trẻ, theo cách nói của Gill, “yếu ớt, thiếu năng lực, không có khả năng đối mặt nghịch cảnh, [và] không biết cách tự chăm sóc bản thân,” trẻ sẽ hạ thấp bản thân để đáp ứng những kỳ vọng tầm thường này.
Điều đáng tiếc hơn nữa là mức ngại rủi ro của cha mẹ không chỉ ảnh hưởng đến trẻ, mà còn ảnh hưởng đến chính cha mẹ, và thậm chí là toàn xã hội. Như nhà kinh tế học Tyler Cowen quan sát thấy, giới trẻ thận trọng ngày nay ít vận động và khởi nghiệp hơn, và văn hóa Mỹ nói chung ngày càng trở nên kém năng động và kém sáng tạo. Ông lập luận rằng ta sẽ nhìn thấy sự phát triển của một “tầng lớp tự mãn” mới, vốn mong muốn cảm giác thoải mái hơn là xung đột và rủi ro, sẽ cản trở những thay đổi cần thiết cho sự cải thiện và phát triển của xã hội.
Giải pháp cho xu hướng quá bảo bọc con cái hiện nay không phải là hoàn toàn buông bỏ con – để trẻ trơ trọi trong rừng cho đàn sói nuôi nấng. Thật ra, các bậc cha mẹ có thể giảm thiểu nguy cơ con cái bị tổn thương, trong khi vẫn tập cho trẻ làm quen với những rủi ro giúp rèn luyện tính kiên cường và đức tính tốt. Trên thực tế, cha mẹ có thể làm điều đó theo cách khiến trẻ an toàn hơn, thay vì kém an toàn hơn.